“Rồi Barcelona sẽ giải trả giá”. Ban đầu thì đây chỉ là một meme vui ở trên các mạng xã hội, bắt nguồn từ việc Bayern Munich thường xuyên vùi dập Barcelona khi hai đội gặp nhau tại Champions League, tới mức người ta xem chuyện đánh bại đội bóng Tây Ban Nha như là một cách để người Bayern nói riêng và người Đức nói chung xả stress. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng Barça sẽ phải trả giá” là câu trích dẫn thường được gắn cho Thomas Muller, người được xem là cơn ác mộng của Barça.
Theo logic của một thứ không có gì là… logic như thế, câu hỏi tiếp theo là ở Munich giữa tuần này, ai sẽ phải trả giá, Bayern hay MU? Bayern thì rõ ràng là chưa hết bực bội sau khi để cho Leverkusen, có lẽ là đối trọng lớn nhất của họ ở Bundesliga mùa này, cầm hòa ngay trên sân nhà nhờ một bàn thắng ở phút 90+4. Trong khi đó, MU thậm chí còn có nhiều lý do để giận dữ hơn khi mới thúc thủ 1-3 ngay trên sân nhà trước Brighton, trận thua thứ ba của họ sau 5 trận đầu mùa.
Bực mình thì ai cũng có lý do, nhưng có xả được cái bực ấy hay không thì không phải ai cũng làm được. Về lý thuyết, MU không có cơ sở nào để tin rằng họ sẽ có được một chiến thắng, đừng nói là thắng tưng bừng kiểu xả stress, ở Munich cả. Đội bóng của Ten Hag nhìn đâu của thấy vấn đề. Phong độ thì tệ hại. Lối chơi thì thiếu rõ ràng, và không hiệu quả. Các cầu thủ cũ đều kém đi so với mùa trước, còn cầu thủ mới thì chưa đóng góp được gì. Chưa kể còn những rắc rối rất lớn bên ngoài sân cỏ, từ vấn đề liên quan tới pháp luật của Antony tới câu chuyện vô kỷ luật của Sancho.
Giải quyết được một trong những vấn đề nêu trên đã đủ khổ. Thế mà lúc này Ten Hag còn đang phải đối mặt với cả một serie vấn đề, không hiểu ông xoay xở kiểu gì. Ở đây có những chuyện vừa không phải là lỗi của Ten Hag, nhưng cũng lại chính là lỗi của ông. Ví dụ vấn đề của Sancho.
Ten Hag không phải là người mua cầu thủ này về, nên không thể biết được những vấn đề liên quan tới thái độ của anh ta. Nhưng cũng chính ông đã đổ thêm dầu vào lửa khi chọn cách xử lý thiếu khôn ngoan là công khai việc Sancho không nỗ lực trên sân tập, từ đó dẫn tới việc anh ta cho “nổ bom” trên mạng xã hội, tạo ra những ồn ào không cần thiết.
Nhưng có phải lỗi hay không phải lỗi của Ten Hag, thì thực tế vẫn là phía trước vị HLV người Hà Lan và các học trò là một ngọn núi lớn khác mang tên Bayern. Brighton đã khiến cho Ten Hag phải bó tay chịu trận chỉ bằng một hệ thống tốt – các cầu thủ của họ không phải là những ngôi sao hàng đầu ở vị trí của mình, thế nên không hiểu khi gặp một Bayern vừa mạnh về hệ thống (với một HLV hàng đầu như Thomas Tuchel) vừa sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng thì ông sẽ xoay xở kiểu gì.
Nếu trong vài ngày ngắn ngủi tới Ten Hag không tìm ra phương án để đối chọi với hệ thống của Bayern, cũng như không có cách dẹp yên nội loạn để các cầu thủ MU cùng siết tay nhau và chơi một trận cho xứng với danh tiếng của đội bóng, một thảm bại cho Quỷ đỏ ở Munich là kết cục có thể nhìn thấy trước. Khi ấy thì Barça sẽ vui.
Rồi từ nay về sau, nước Đức hay Bayern có chuyện gì thì sẽ có MU trả giá giúp.
Lành ít dữ nhiều
Ở Champions League, MU đã đụng Bayern tổng cộng 11 lần, thì mới thắng được có 2. Một trong đó là trận chung kết năm 1999. Trong 9 trận còn lại, MU thua 4 và hòa 5.
Mùa | Vòng | Trận đấu | Kết quả |
2013/2014 | Tứ kết | Bayern-MU | 3-1 |
2013/2014 | Tứ kết | MU-Bayern | 1-1 |
2009/2010 | Tứ kết | MU-Bayern | 3-2 |
2009/2010 | Tứ kết | Bayern-MU | 2-1 |
2001/2002 | Bảng A | MU-Bayern | 0-0 |
2001/2002 | Bảng A | Bayern-MU | 1-1 |
2000/2001 | Tứ kết | Bayern-MU | 2-1 |
2000/2001 | Tứ kết | MU-Bayern | 0-1 |
1998/1999 | Chung kết | MU-Bayern | 2-1 |
1998/1999 | Bảng D | MU-Bayern | 1-1 |
1998/1999 | Bảng D | Bayern-MU | 2-2 |