Thái Lan đi đầu trong việc áp dụng VAR
Đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ khi VAR lần đầu hiện diện ở World Cup vào năm 2018. Tính đến hiện tại, không phải giải đấu nào cũng đủ điều kiện về tài chính và năng lực vận hành để có thể đưa VAR vào hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp. Thống kê chỉ ra rằng ở mùa giải 2022/23, chỉ gần 60 giải VĐQG trên thế giới có VAR. Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng VAR. Mỗi năm, nền bóng đá nước này mất gần 1,88 triệu USD (tương đương với gần 45 tỷ đồng) để vận hành VAR ở tổng cộng 412 trận đấu.
Tại Đông Nam Á, lần lượt Thái Lan, Singapore và Malaysia cũng áp dụng VAR. Tất nhiên, bài toán tài chính cũng từng khiến cho các CLB và BTC giải đấu đau đầu trong việc vận hành và duy trì. Từng có thời điểm, VAR trở thành chủ đề tranh cãi giữa các CLB Thái Lan và BTC Thai League. Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu nằm ở câu chuyện tiền bạc, khi kinh phí để củng cố sự chính xác cho các quyết định của trọng tài ngày càng đắt đỏ.
Tất nhiên, đắt xắt ra miếng. Sự xuất hiện của VAR củng cố thêm vị thế và nâng tầm chất lượng cho các trận đấu tại Thái Lan. Thai League trở thành giải VĐQG tại Đông Nam Á có chất lượng bậc nhất, tạo nên một quy chuẩn để bất cứ giải đấu nào trong khu vực cũng phải nhìn để học hỏi. Song hiện đại đội khi… “hại điện”. Không phải lúc nào VAR cũng trở thành “người phán xử” công tâm. Thậm chí trong một số trường hợp hy hữu, VAR lại trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận bóng đá xứ chùa vàng.
Trang Siam Sports từng thẳng thắn nhấn mạnh VAR không phải là “thần thánh” để giúp các trọng tài đưa ra mọi quyết định với tính chính xác tuyệt đối. Điển hình như trong trận đấu giữa Chonburi và Khonkaen ở Thai League hồi tháng 3/2023, một tình huống gây tranh cãi đã xảy ra. Từ pha tạt bóng của Amadu Ottara, thủ thành bên phía Khon Kaen đã băng ra lỡ trớn khiến bóng lăn vào lưới. Anh kịp quay về ôm gọn trái bóng nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài vẫn công nhận bàn thắng hợp lệ cho Chonburi. Đây là tình huống dẫn tới bàn gỡ 1-1 của Chonburi, tác động khiến Khon Kaen không thể có được chiến thắng.
Phía Khon Kaen đã khiếu nại sau trận. Nhưng Ban trọng tài của LĐBĐ Thái Lan cũng… bó tay khi VAR đã được sử dụng và trọng tài chính đã có quyết định thông qua tham khảo VAR. Nhưng vấn đề ở chỗ, tất cả các góc quay đều không định vị được vị trí trái bóng ở đâu so với vạch cầu môn. Bản thân Thai League dù sử dụng VAR nhưng do thiếu góc máy trên cao, trong khi ở vị trí quan sát tốt nhất thì thủ thành bên phía Khon Kaen lại che lấp hoàn toàn trái bóng. Điều đó dẫn tới khi VAR can thiệp, trọng tài cũng không biết bóng đã vào lưới hay chưa. “Tất cả những gì chúng tôi có là biên bản ê kíp trọng tài, khi trợ lý đường biên khẳng định bóng đã lăn hoàn toàn qua vạch cầu môn. Do vậy, trọng tài Sivakorn Phuudom đã công nhận bàn thắng”, đại diện Ban trọng tài của LĐBĐ Thái Lan phát biểu. “Mọi góc quay của camera không thể xác nhận rõ ràng liệu bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa. Trong tình huống này, VAR can thiệp nhưng không có tác dụng. Do vậy, tất cả đều dựa vào nhận định của trọng tài”.
Chờ đợi VAR tại V.League
Thành công và cả sự cố với VAR tại Thai League là tấm gương, đồng thời cũng là bài học để LĐBĐ Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tiếp thu, trước khi ứng dụng VAR đều đặn kể từ mùa giải cách mạng mang tên 2023/24.
Xuyên suốt từ năm ngoái cho đến nay, VPF cùng Ban Trọng tài VFF dưới sự hỗ trợ và giám giát kỹ càng đến từ FIFA đã tiến hành tập huấn cho các trọng tài, trợ lý trọng tài tốt nhất của bóng đá Việt Nam. “Chỉ khi nào các trọng tài vượt qua được bài kiểm tra đến từ FIFA thì bóng đá Việt Nam mới có thể đủ điều kiện vận hành VAR, với dự kiến của chúng tôi là ở mùa giải 2023/24. Thời gian đào tạo tương đối dài, nên chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của các trọng tài vì mục đích sớm đưa VAR vào các trận đấu của Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF chia sẻ.
Song song với việc đào tạo trọng tài, trợ lý trọng tài theo từng giai đoạn với mức độ từ dễ đến khó dần, từ lý thuyết, thực hành cơ bản cho đến mô phỏng tình huống và trận đấu thực tế; VPF cũng nhanh chóng tiến hành nhập khẩu, lắp đặt 2 xe VAR cùng trang thiết bị theo tiêu chuẩn kỹ thuật của FIFA.
“Các trọng tài và trợ lý cũng đã sử dụng 2 chiếc xe này để phối hợp, thực hiện các bài ứng dụng liên quan đến VAR, dưới sự giám sát và kiểm tra của FIFA. Tất nhiên để 2 xe VAR chính thức đi vào vận hành thì chúng tôi phải thực hiện thủ tục đăng kiểm. Xe VAR ở dạng xe bán tải và để đưa thiết bị VAR vào sử dụng thì cần phải chờ công tác đăng kiểm nữa”, ông Trần Anh Tú – Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT VPF chia sẻ.
Theo tính toán ban đầu của VFF và VPF, thời điểm VAR có thể bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam là ở mùa V.League 2023/24, tức cuối năm nay. Song trên thực tế, với sự hòa nhập và bắt nhịp nhanh của các trọng tài, ông Trần Anh Tú hy vọng, thời điểm sử dụng VAR sẽ sớm hơn 2 tháng.
“Tôi mong cuối mùa V.League 2023, VAR sẽ bắt đầu xuất hiện. FIFA cũng đưa ra lời khuyên rằng, chúng ta nên lựa chọn những trận đấu có tính chất cạnh tranh không cao ở giai đoạn đầu. Điều đó giúp cho anh em trọng tài làm quen dễ dàng hơn. Có thể, trận chung kết Cúp Quốc gia 2023 cũng sẽ có VAR xuất hiện”, ông Trần Anh Tú nói.